×

THỦ TỤC KIỂM DỊCH THỰC VẬT

1/ Kiểm dịch thực vật là gì ?

Kiểm dịch thực vật (Với tiếng Anh là Phytosanitary) là công tác quản lý Nhà nước nhằm ngăn chặn những loài sâu, bệnh, cỏ dại nguy hiểm lây lan giữa các vùng trong nước và giữa nước ta với nước ngoài.

Tất cả hàng nhập khẩu có liên quan hoặc có nguồn gốc thực vật, kiểm dịch là để đảm bảo không cho mầm bệnh theo hàng hóa nhập khẩu vào nước ta. Với hàng xuất khẩu, công việc cũng tương tự, nhằm chứng minh hàng đảm bảo điều kiện về kiểm dịch để xuất khẩu ra nước ngoài.

Kiểm dịch động – thực vật đều thuộc loại Kiểm tra chất lượng, Nhà nước ta bắt buộc với một số hàng hóa. Nếu lô hàng chưa kiểm dịch sẽ bị “hoãn lại” khi làm thủ tục hải quan.

Thông thường thì các mặt hàng cơ bản như: hàng hóa có nguồn gốc thực vật như nông sản, gỗ, thức ăn chăn nuôi,…đều có khả năng cao phải làm kiểm dịch

 

Hình: Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật

 

2/ Tại sao phải kiểm dịch thực vật

  • Nhằm ngăn chặn những loài sâu, bệnh, cỏ dại nguy hiểm lây lan giữa các vùng trong nước và giữa nước ta với nước ngoài.
  • Để đảm bảo không có mầm bệnh nào theo đường XNK lây lan hay lan truyền
  • Với hàng nhập khẩu có liên quan hoặc có nguồn gốc thực vật, kiểm dịch là để đảm bảo không cho mầm bệnh theo hàng hóa nhập khẩu đi vào nước ta. Với hàng xuất khẩu, công việc cũng tương tự, nhưng là để chứng minh hàng đảm bảo điều kiện về kiểm dịch để xuất khẩu ra nước ngoài.
  • Nếu không làm kiểm dịch thực vật thì hàng hóa sẽ không được làm thủ tục hải quan

3/ Thông tư áp dụng

  • Thông tư số 02/VBHN-BNNPTNT (2019): hợp nhất Thông tư quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
  • Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT: Ban hành bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
  • Thông tư số 34/2018/TT-BNNPTNT: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2014/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 10 năm 2014 và Thông tư số 20/2017/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
  • Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT: Quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
  • Thông tư số 01/2012/TT-BTC: Hướng dẫn việc thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm dịch.

4/ Nêu tên một số các phẩm phải làm kiểm dịch

Về cơ bản, hàng hóa có nguồn gốc thực vật như nông sản, gỗ, thức ăn chăn nuôi… nhiều khả năng sẽ phải làm kiểm dịch:

+ Quế
+ gỗ xẻ thanh từ gỗ keo (acasia swan timber)
+ gỗ xẻ thanh từ gỗ thông (pine swan timber)
+ rêu biển khô (dried sea moss)
+ wooden pallet ( pallet gỗ)
+ ngô, bí ngòi, bơ, bình bát, bí đao,….
+ hạt giống nho mỹ
+ …..

 

Hình: Lấy mẫu quế để làm kiểm dịch thực vật

 

5/ Bộ hồ sơ cần chuẩn bị để xin

A. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu

1. Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật (theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Bản sao chụp hoặc bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của nước xuất khẩu.

Trường hợp chủ vật thể nộp bản sao chụp thì phải nộp bản chính trước khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể.

3. Bản chính hoặc bản sao chứng thực Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu (trường hợp quy định phải có Giấy phép).

B. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật xuất khẩu

1. Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu

2. Bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu (trong trường hợp tái xuất khẩu).

C. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật quá cảnh

1. Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật

2. Bản sao chụp hoặc bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do nước xuất khẩu cấp.

Trường hợp chủ vật thể nộp bản sao chụp thì phải nộp bản chính trước khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể.

3. Bản chính hoặc bản sao chứng thực Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu.

 

6/ Trình tự thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu

Bước 1. Đăng ký kiểm dịch thực vật

Chủ vật thể nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu tại cơ quan kiểm dịch thực vật.

Bước 2. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

Cơ quan kiểm dịch thực vật có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra ngay tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì yêu cầu chủ vật thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;

Bước 3. Kiểm tra vật thể

Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định địa điểm và bố trí công chức kiểm tra ngay lô vật thể theo trình tự sau đây:

a) Kiểm tra sơ bộ

Kiểm tra bên ngoài lô vật thể, bao bì đóng gói, phương tiện chuyên chở; khe, kẽ và những nơi sinh vật gây hại có thể ẩn nấp; thu thập côn trùng bay, bò hoặc bám bên ngoài lô vật thể.

b) Kiểm tra chi tiết

Kiểm tra bên trong và lấy mẫu lô hàng theo quy định tại QCVN 01 141:2013/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương pháp lấy mẫu kiểm dịch thực vật; thu thập các vật thể mang triệu chứng gây hại và sinh vật gây hại; phân tích giám định mẫu vật thể, sinh vật gây hại đã thu thập được.

Bước 4. Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật

a) Cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch đối với lô vật thể không bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ.

Trường hợp kéo dài hơn 24 giờ do yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật hoặc trường hợp không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật thì cơ quan kiểm dịch thực vật phải thông báo hoặc trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch biết.

b) Trường hợp phát hiện lô vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định áp dụng các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật phù hợp theo quy định.

c) Trường hợp lô vật thể được vận chuyển bằng tàu biển có chiều cao khoang chứa hàng từ 3m trở lên, phải chia thành nhiều lớp để kiểm tra thì sau khi kiểm tra mỗi lớp, căn cứ vào kết quả kiểm tra, cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy tạm cấp kết quả kiểm dịch thực vật cho khối lượng vật thể đã kiểm tra

Sau khi có Giấy tạm cấp kết quả, lô hàng được phép vận chuyển về kho bảo quản và chỉ được đưa ra sản xuất, kinh doanh sau khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa. Căn cứ kết quả kiểm tra toàn bộ lô vật thể, cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể.

6/ Thời gian xin

a. Thời gian cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch

  • Cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch đối với lô vật thể không bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ.
  • Trường hợp kéo dài hơn 24 giờ do yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật hoặc trường hợp không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật thì cơ quan kiểm dịch thực vật phải thông báo hoặc trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch biết

b. Thời hạn giải quyết:

  • Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.
  • Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu theo Mẫu số 05/BVTV Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp từ chối cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

c. Hiệu lực của Giấy phép:

  • Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu có giá trị cho toàn bộ lô hàng ghi trong giấy phép và hiệu lực được ghi trong giấy phép theo từng mặt hàng nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày cấp.

7/ Địa chỉ các chi cục kiểm dịch

Ngoài kiểm dịch tại các cửa khẩu, trên toàn quốc có 9 Chi cục kiểm dịch vùng (đánh số từ 1 đến 9) trực thuộc Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. Dưới đây là địa chỉ các chi cục để bạn tiện tra cứu:

  • Vùng 1: Số 2 Trần Quang Khải, Thành phố Hải Phòng
  • Vùng 2: 28 Mạc Đĩnh Chi, P. Đakao, Q. 1, Tp. Hcm
  • Vùng 3: 146 Hoàng Diệu, thành phố Đà Nẵng
  • Vùng 4: 66 Lê Hồng Phong, thành phố Quy nhơn, tỉnh Bình Định
  • Vùng 5: 149 Hồ Đắc Di, Đống Đa, Thành phố Hà Nội
  • Vùng 6: 28 Trần Phú, Thành phố Vinh, Nghệ An
  • Vùng 7: 98B Ngô Quyền, Phường Đông Kinh, Tp. Lạng Sơn
  • Vùng 8: 007 đường Nguyễn Huệ, TP Lao Cai
  • Vùng 9: 386B đường Cách mạng tháng 8, thành phố Cần Thơ

 

Khách hàng tiêu biểu

KH2
KH3
KH4
KH5
KH6
KH7
KH8